Friday, April 18, 2014

Người Việt không đến nỗi xấu

Mấy ngày nay đọc báo, thấy nổi cộm vấn đề người Việt không xấu. Thấy đưa ra nhiều ví dụ đáng phê phán lắm. Tự phê phán thì rất tốt, nhưng không biết có đúng là người Việt xấu xí đến như vậy không? Tôi muốn đặt ngược lại vấn đề.

Thường thì người ta sẽ đưa ra nhiều so sánh với nước ngoài, rằng nước ngoài thế này, nước ngoài thế kia. Ở Nhật, ở Mỹ, ở Singapore, v.v. Nhưng tôi thấy đôi khi, trong lúc phấn khích viết bài, chúng ta lại làm quá. Điều này cũng dễ hiểu, nhưng để có thể tự phê phán một cách đúng đắn, không nên chỉ mỗi chăm chăm nhìn vào tật xấu của mình. Nhận ra mình không đẹp như chúng ta tự đánh lừa mình là một điều rất đáng khen ngợi, nhưng có lẽ đôi khi vì chỉ thấy cái xấu mà chúng ta trở nên u ám hơn. Nói cách khác, chúng ta xấu hơn chúng ta tưởng và chúng ta tốt hơn chúng ta tưởng. Nói cách khác, đừng quá tưởng tượng. Hãy phân tích mọi thứ cẩn thận và nhiều chiều.

(Nói trước luôn, tôi không định nói các báo đã nhầm lẫn hết cả, không không không. Tôi chỉ muốn vạch sâu tìm lá, và đám sâu này đã được người ta nhặt ra từ đám hoa hòe rồi. Cái ý của tôi ở đây là có khi trong đám sâu đó có khi lại có một thứ sinh vật không phải là sâu)
Đừng ngồi các kiểu ở chỗ đông người
Vụ này căng đây. Với người nước ngoài, họ chỉ ngồi khi có ghế. Không có ghế, người ta chỉ đứng dù có mỏi chân. Ai ngồi thì có nghĩa là đang quá mệt và thường họ kiếm một góc khuất, ngồi bệt xuống dựa lưng vào vách tường, chân duỗi thẳng, và tất nhiên khi thấy bớt mệt thì đứng lên ngay.
Còn ta? Ta ngồi bất kể lúc nào đoàn ngừng di chuyển! Trong sân bay, nếu các bạn thấy 4-5 nhóm khách du lịch ở khu vực không có ghế, trong đó có một nhóm kẻ đứng người ngồi lổm nhổm thì đến 90% chắc chắn rằng nhóm đó là người anh em của chúng ta. Tại sao lạ vậy? Có lẽ vì ta có thói quen thích chọn cái khỏe hơn, mà ngồi thì khỏe hơn đứng là tất nhiên rồi. Chẳng ai biết đó là hình ảnh nhếch nhác trong con mắt người nước ngoài. [1]
Tôi và các bạn chắc đều đồng ý với nhau vấn đề người phương Tây coi trọng cá nhân, người phương Đông coi trọng cộng đồng rồi chứ nhỉ? Và mỗi cái đều có tốt xấu riêng, ta không thể nói cái nào tốt hơn cái nào. Chúng ta tiếp tục. Nếu người phương Tây vì sợ ảnh hưởng đến công cộng mà tự tước bỏ quyền lợi sức khỏe của mình, thì thật nguy hiểm. Đái đường cũng vậy. Chắc ai cũng hiểu cái cảm giác tuôn chảy tuyệt vời khi phải "vì mọi người" rồi chứ nhỉ. Đái đường không có lỗi, lỗi là thiếu nhà vệ sinh. Thế nhưng vứt rác có phải là lỗi không? Tôi cho là không, vì cầm bịch rác không ảnh hưởng tới sức khỏe của mình. Sức khỏe từng người là chuyện quan trọng nhất rồi mới tới chuyện vì cộng đồng. Nếu phải vì cộng đồng mà tự nguyện tước bỏ sức khỏe của mình, tôi cho rằng như vậy thì không coi trọng cá nhân cho lắm. Mà như vậy thì khá mâu thuẫn.

Bạn cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại: đứng một tí thì có ảnh hưởng mấy tới sức khỏe đâu? Tất nhiên, nếu chỉ một tí thì nói làm gì. Vấn đề là cái chữ quá kia kìa. Người đứng đang mỏi, nhưng có thể tiếp tục được. Nhưng đang mỏi. Cái trạng thái dở dở ương ương ấy thật khó xử. Nhưng cái cảm giác mỏi là cái cảm giác cơ thể báo hiệu rằng ngồi thì có lợi cho sức khỏe hơn. Và khi cơ thể cảm thấy không ổn, thì nó là không ổn.

Nếu nhất trí tới đây, thì ngồi là không có hại. Tiếp tục, tôi sẽ chứng tỏ ngồi là có lợi. Việc ngồi túm tụm như trên còn có một ưu điểm tuyệt vời nữa: sự gắn kết cộng đồng. Họ có thể đứng tiếp, nhưng ngồi cho họ cơ hội được nói chuyện. Đứng có thể nói chuyện được không? Được chứ, nhưng ngồi thì mới nói lâu được [2]. Con người là một động vật xã hội, người phương Đông lại chú trọng tính cộng đồng, vậy ngồi là có lợi quá chứ lị. Tôi chưa thấy báo nào nói người phương Đông chết vì cô độc, chứ tôi thấy người phương Tây chết khô trong nhà 42 năm không ai biết rồi [3]. Vừa không có hại, lại có lợi, sao ta lại không làm?

Có khi nào chúng ta vì ngưỡng mộ sự vượt trội về kiến thức của người phương Tây (một chuyện hiển nhiên khỏi cần bàn cãi) mà áp dụng cả cách sống của họ vào nền văn hóa của chúng ta? Giống như cái cách mà chúng ta (chính xác hơn là một người Trung Quốc) dịch thuật ngữ subject trong tiếng Anh thành chủ ngữ/chủ từ vậy [4]. Trong tiếng Anh, danh từ đầu tiên trong câu là subject, là chủ của một câu nhưng trong các ngôn ngữ phương Đông, nó không làm chủ. Cấu trúc câu ở phương Đông phải là đề - thuyết. Và sự nhầm lẫn này là một tai hại. Nó tai hại vì bây giờ, khi mọi người đã quen với cấu trúc câu chủ ngữ - vị ngữ thì không còn cách nào sửa lại được. Trong xã hội học hình như đây được gọi là tâm lý sính ngoại (xenocentrism) [5] thì phải. Có ngưỡng mộ thì ngưỡng mộ cái liên quan, chứ đừng ngưỡng mộ ké những thứ không liên quan.

Và vì như vậy, tôi có thể khẳng định một tính xấu của người Việt Nam không? Tâm lý sính ngoại. Sính ngoại ở đây không chỉ là chuộng mua đồ ngoại, mà là chuộng được trở thành người ngoại.

[1] Hoàng Mạnh Hải, Tính xấu người Việt: Đi xa, năn nỉ... nhớ giùm
[2] Đoạn này tôi nói trong lúc phấn khích, mọi người có thể đặt nghi vấn. Tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn. Nhưng nếu đứng nói mà cũng giống như ngồi nói, thì tại sao trong phòng họp phải đặt ghế làm gì?
[3] Bà Hedviga ở Croatia http://www.dailyrecord.co.uk/news/uk-world-news/woman-sat-dead-front-tv-977414
[4] Cao Xuân Hạo, Về lịch sử của khái niệm chủ ngữ
[5] Cái này tôi được nghe trong một bài diễn thuyết của chương trình "Trí / Thức", chủ đề là Phục hồi và phát triển văn hóa vật thể cho sáng tạo
























































Nếu mà tôi phải trả lời, thì tôi sẽ trả lời là hên xui, mà xui nhiều hơn hên. Câu hỏi ở trên chỉ được đặt ra trong một khoảnh khắc phấn khích mà thôi.

No comments:

Post a Comment