Saturday, April 26, 2014

Đóng góp cho Đoàn, Hội

  1. Do tôi là bí thư nên tôi sẽ chủ yếu nói về Đoàn. Nhưng lại có hoạt động chỉ có Hội mới làm. Tôi nghĩ ai đọc cũng được, quan trọng là rút ra được gì thôi. Đoàn, Hội sẽ được viết tắt là ĐH.
  2. Đây là nơi vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết. Đừng buồn nếu thấy tôi chê quá nhiều. Thật ra là vì tôi rất nể phục các bạn ĐH trong việc vừa học vừa hoạt động. Trong những năm học ở trường, tôi đặc biệt dành lời khen cho Hội K11 đã tổ chức nhiều hoạt động mới, đặc biệt là có cái kênh YouTube quảng bá rộng rãi. Mấy khóa sau tôi không có dịp quan sát kỹ, đừng buồn nếu tôi không đưa ra được lời khen. Nếu thấy xứng đáng, có thể tự khen mình một cái :3
  3. Nhắc lại, đây là nơi vạch lá tìm sâu. Bạn sẽ thấy tôi lôi ra một đống trời ơi đất hỡi. Có thể tôi là người cầu toàn, nhưng đã không làm thì thôi, chứ làm thì phải thật chỉn chu. Nhưng tôi nghĩ những lỗi đó là những lỗi rất căn bản. Nếu thuyết phục được những người khó tính thì không khó để thuyết phục những người dễ tính. Bản thân tôi lâu lâu cũng lại thấy lỗi cũng mình, và tôi sẽ cố gắng sửa nếu điều kiện cho phép. Phải luôn tự rèn luyện mình.
  4.  Ba cái này lâu lâu lại nghĩ ra một cái. Sẽ thường xuyên cập nhật khi có ý mới.
  5. Bạn có thể có cảm giác tôi đang đặt mình hơi cao. Tôi cũng có cảm giác đó :v. Nhưng nếu bạn đọc các tác phẩm vạch lá tìm sâu trong ngôn ngữ học của Cao Xuân Hạo, bạn sẽ thấy thái độ của tác giả còn quyết liệt hơn nữa. Tôi không biết làm cách nào khác mà vẫn giữ được thái độ quyết liệt này, tạm thời cứ giữ văn phong vậy đã. Mọi phê bình, góp ý đều được hoan nghênh. Tôi không muốn nhìn một chiều.
==========================================================================

Bồi dưỡng thêm tiếng Việt. Ví dụ đây là một lời quảng cáo cho ngày hội truyền thống khoa:
NÔ NỨC ĐÓN CHỜ NGÀY HỘI TRUYỀN THỐNG KHOA LÝ 2014

Chủ nhật tuần này? Bạn làm gì??
Hàng ngàn người con khoa Vật Lý đang háo hức chờ đón ngày ấy. Ngày mà thầy trò và các thế hệ sinh viên cùng tụ hội trong niềm vui khôn xiết
Quá phô. "Hàng ngàn"? "Nô nức"? Hồi năm hai tôi không đi cái ngày này vì mắc ngủ ở nhà đấy. Hàng ngàn người bấm Join trên Fb đâu có nghĩa là chắc chắn họ sẽ đi. Ở trên có hai dấu chấm hỏi liền kề, ở dưới lại thiếu mất dấu chấm câu. Phần "ngày mà..." bổ sung nghĩa cho câu phía trước, phải được cách bằng dấu phẩy, sao lại dùng dấu chấm? Mà "các thế hệ sinh viên" có phải là "trò" không? Nếu không thì là lỗi lặp từ rồi. Sơ sơ mới là nhiêu đó, còn chưa xét thêm ngữ nghĩa nữa kìa. Có nên dùng "cùng tụ hội trong niềm vui khôn xiết" cho đối tượng là thầy trò không

Những người làm ra đoạn quảng cáo này đã thiếu ý tưởng, đành phải câu kéo bằng những từ bóng bẩy. Những với khả năng tiếng Việt như vậy thì chỉ khiến mọi thứ trở nên phản cảm. Tôi sẽ thử viết lại.
NGÀY HỘI TRUYỀN THỐNG KHOA VẬT LÝ 2014: BỐN LÝ DO KHÔNG THỂ KHÔNG ĐI
  • Là nơi các anh chị năm ba, năm tư giới thiệu sản phẩm chuyên ngành, giúp bạn hiểu rõ mặt mũi các chuyên ngành trông như thế nào.
  • Là nơi trò, thầy, thầy của các thầy, thầy của các thầy của các thầy tới để cùng nói về những ngày tháng xây dựng khoa Vật lý. Bạn sẽ được thấy thời sinh viên của các thầy đầy nhiệt huyết thế nào.
  • Là nơi các bạn sẽ sung sướng hết mình với đội nhảy tập thể, cùng ca hát (hay la hét?) vang trời.
  • Là nơi được ăn miễn phí :D
Tất cả những thứ này được viết ra chưa đầy năm phút, chỉ cần động não là được. Có thể ý tưởng tôi vẫn chưa hay, nhưng tôi muốn đưa ra một ví dụ về việc đưa ra ý tưởng. Tất cả chỉ là có chịu khó hay không thôi.

Cũng cần phải học cách viết một ý tưởng sao cho tốt. Tôi nghĩ cuốn Tạo ra thông điệp kết dính của Chip Heath và Dan Heath nói khá hay, các bạn có thể tham khảo nó hoặc những cuốn tương tư.

Không gom các chuyên ngành vào một chi Đoàn. Gom vào thì đúng là thuận tiện, nhất là với các  chuyên ngành ít người. Nhưng lúc đó bí thư của chuyên ngành A sẽ không thể nắm rõ tình hình của chuyên ngành B. Việc đưa lên phó bí ở chuyên ngành B nghe có vẻ giải quyết tình trạng này, nhưng việc này sẽ làm giảm trách nhiệm với phó bí B và tăng thêm trách nhiệm ở bí thư A. Chưa kể, với những ai coi sự nghiệp sau này là ĐH thì không nói làm gì, nhưng với các bí thư nhỏ thì phải lo học. Ôm một lúc gần năm chục người trong đó tới phân nửa là không hề biết mặt là vô cùng oải.

VD: gửi email các hoạt động cho các bí thư. Bí thư A sẽ phải chuyển lại cho B, và nếu B có thắc mắc gì sẽ phải hỏi A rồi A hỏi lại cấp trên. Lằng nhằng, tam sao thất bản. Hơn nữa, A sẽ phải chịu trách nhiệm cho những người mà A không thể quản lý -> vô lý.

Ứng dụng triệt để công nghệ. Chắc chắn là Đoàn trường đã có ứng dụng công nghệ, tôi không phủ nhận. Nhưng triệt để thì tôi chưa thấy. Việc đánh giá RLĐV chẳng hạn, hoàn toàn có thể đưa chúng thành một mẫu trên mạng. Ai thấy mình phù hợp với mục nào thì tự đánh dấu, tự cho điểm. Có rất nhiều dịch vụ cung cấp khảo sát miễn phí, không nhất thiết phải là Google Form. Người dùng không cần phải đăng ký tài khoản (chỉ người lập khảo sát mới phải đăng ký), lúc tổng hợp rất nhanh chóng, dễ dàng. Cứ google "Free online survey" là có hết. Cũng có thể làm một clip hướng dẫn làm sổ sách như thế này. Không phải mất thời gian họp hành (mà thường phải họp vào những lúc đói + buồn ngủ), cũng dành được thêm thời gian để làm những việc quan trọng (thảo luận để phát triển hướng hoạt động chẳng hạn). Lúc đầu thì có hơi mất thời gian, nhưng chỉ cần đầu tư một lần là có thể dùng cho muôn đời sau =)).

Dùng bảng khảo sát để tổ chức chương trình là rất có lợi.Ví dụ sau khi tổ chức Big Bang xong, có thể gửi email chứa link khảo sát cho các nhóm tham dự. Nội dung thì ai cũng biết: bạn nghĩ thế nào về cuộc thi này, bạn thấy đề năm nay ra sao, có muốn bổ sung thêm gì không, v.v. Khi làm đề, mỗi người sẽ có một hình mẫu đề khác nhau, nhưng những con số thống kê được mới thật sự cho thấy mẫu đề hoàn hảo.

Thông tin đầy đủ. Sẽ là buồn khi mình làm vì người ta mà họ không nhận thấy. Còn sẽ là bực mình nếu ý của mình tốt mà vì không hiểu nên họ lại quay ra mắng mình. Cái vụ ĐRL chẳng hạn. Sau bốn năm, gần ra trường tôi mới phát hiện ra là Đoàn trường chả thể giúp để nâng hay hạ điểm. Điều này đã từng khiến cho tôi có suy nghĩ tiêu cực về ĐRL, về Đoàn trường. Mà tôi lại là một bí thư mới kinh (may quá, mình chỉ là tiểu tốt). Biết bao nhiêu bí thư không nắm được vấn đề này, trách sao sinh viên không hiểu và gây sức ép để có điểm cao.

ĐRL có thật sự phản ánh được việc hoạt động của SV hay không, tôi không biết. Một sinh viên có ĐRL thấp có thể là do phải phụ gia đình hoặc đã có tham gia các hoạt động khác. Tương lai của sinh viên đó có thể bị ảnh hưởng. Đó là vấn đề về bản chất của ĐRL. Người có thẩm quyền trả lời lại không phải là ĐH (ít nhất là ở cấp khoa). Nhiều sinh viên đã nhầm lẫn và gây áp lực lên ĐH, trong khi người phải hỏi là nhà trường. Có thể trách sinh viên không chịu tìm hiểu kỹ trước khi chỉ trích, nhưng cũng không thể không trách ĐH đã không giải thích rõ. (Nói thật, nếu mà giải thích khi họp thì chẳng ma nào nghe đâu, cũng đừng trách. Mấy buổi họp đó toàn họp giữa trưa, vừa đói vừa buồn ngủ, lại còn phải lo học buổi chiều nữa thì sao mà hiệu quả được. Rồi đến lúc bắt đầu tính ĐRL lại nói thêm lần nữa thì ai dám tin.)

Chỉ nói một vài lần thì không đủ, phải mưa dầm thấm lâu và rộng khắp. Không thể trách mọi người nghe xong rồi quên. Tôi đề xuất một cách giải quyết. Mỗi lần trên Fb của ĐH có thông báo một hoạt động gì đó thì thòng thêm một câu chú thích, đại khái:

ĐRL không được cộng bởi ĐH mà phòng CTSV. ĐH chỉ là người đứng ra tổ chức và điểm danh.

Với mỗi lần tự đánh giá RLĐV, thòng thêm một câu:

Các đánh giá này dùng để đánh giá chất lượng đoàn viên trong tổ chức Đoàn, không liên quan đến đánh giá chất lượng sinh viên trong trường là ĐRL. Vì đánh giá này không ảnh hưởng đến ĐRL nên ĐH khuyến khích bạn trung thực.

Bảo đảm câu này là câu ăn tiền. Việc giải quyết ĐRL chỉ giải quyết vấn đề thấp trong tháp Maslow: nhu cầu an toàn. Còn ở đây nó còn làm một thứ tuyệt vời hơn nữa: cho họ được trung thực, cho họ được đứng đầu tháp. Nó cho họ sự tin tưởng rằng trung thực thì sẽ không bị hại.

Các hiểu lầm khác cũng được giải tỏa rất nhanh chóng nếu được giải thích một cách chính thức. Chỉ có làm chính thức mới tạo được sự tin tưởng cao độ.

Việc tiền nong cũng vậy. Đành rằng nhiều khi cần thêm tiền mà không biết phải làm sao, đành phải dùng mưu kế để kiếm thêm. Cứ nói rõ ràng là do phải chi đột xuất cái này, cái kia, nay xin các bạn thêm vài ngàn nữa. Muốn làm được điều đó thì phải được sự tin tưởng. Muốn được sự tin tưởng thì phải trung thực. Còn luồn luồn lách lách thì chỉ được một vài lần, và chắc chắn sẽ luôn ở trong vòng luẩn quẩn: không được tin tưởng -> phải luồn lách -> không được tin tưởng.

*****

Những điều trên đều là những điều tôi rút ra được sau khi làm bí thư một chi Đoàn trong vòng hai năm. Năm nay ra trường, thấy nhiệt tình cạn hơn so với lúc mới nhận lời làm bí thư. Số nhiệt tình còn sót lại đem ra đây hết. Hy vọng giúp được cái gì thì giúp. Không cần các bạn phải làm đúng như trên, chỉ cần các bạn chịu suy nghĩ, vậy là tôi đã thành công.



26/4/14, hoàn thành lần đầu.
4/5/14, bổ sung thêm phần Bồi dưỡng thêm tiếng Việt và những lời nói đầu
9/5/14, chỉnh sửa phần đó.

Friday, April 18, 2014

Người Việt không đến nỗi xấu

Mấy ngày nay đọc báo, thấy nổi cộm vấn đề người Việt không xấu. Thấy đưa ra nhiều ví dụ đáng phê phán lắm. Tự phê phán thì rất tốt, nhưng không biết có đúng là người Việt xấu xí đến như vậy không? Tôi muốn đặt ngược lại vấn đề.

Thường thì người ta sẽ đưa ra nhiều so sánh với nước ngoài, rằng nước ngoài thế này, nước ngoài thế kia. Ở Nhật, ở Mỹ, ở Singapore, v.v. Nhưng tôi thấy đôi khi, trong lúc phấn khích viết bài, chúng ta lại làm quá. Điều này cũng dễ hiểu, nhưng để có thể tự phê phán một cách đúng đắn, không nên chỉ mỗi chăm chăm nhìn vào tật xấu của mình. Nhận ra mình không đẹp như chúng ta tự đánh lừa mình là một điều rất đáng khen ngợi, nhưng có lẽ đôi khi vì chỉ thấy cái xấu mà chúng ta trở nên u ám hơn. Nói cách khác, chúng ta xấu hơn chúng ta tưởng và chúng ta tốt hơn chúng ta tưởng. Nói cách khác, đừng quá tưởng tượng. Hãy phân tích mọi thứ cẩn thận và nhiều chiều.

(Nói trước luôn, tôi không định nói các báo đã nhầm lẫn hết cả, không không không. Tôi chỉ muốn vạch sâu tìm lá, và đám sâu này đã được người ta nhặt ra từ đám hoa hòe rồi. Cái ý của tôi ở đây là có khi trong đám sâu đó có khi lại có một thứ sinh vật không phải là sâu)
Đừng ngồi các kiểu ở chỗ đông người
Vụ này căng đây. Với người nước ngoài, họ chỉ ngồi khi có ghế. Không có ghế, người ta chỉ đứng dù có mỏi chân. Ai ngồi thì có nghĩa là đang quá mệt và thường họ kiếm một góc khuất, ngồi bệt xuống dựa lưng vào vách tường, chân duỗi thẳng, và tất nhiên khi thấy bớt mệt thì đứng lên ngay.
Còn ta? Ta ngồi bất kể lúc nào đoàn ngừng di chuyển! Trong sân bay, nếu các bạn thấy 4-5 nhóm khách du lịch ở khu vực không có ghế, trong đó có một nhóm kẻ đứng người ngồi lổm nhổm thì đến 90% chắc chắn rằng nhóm đó là người anh em của chúng ta. Tại sao lạ vậy? Có lẽ vì ta có thói quen thích chọn cái khỏe hơn, mà ngồi thì khỏe hơn đứng là tất nhiên rồi. Chẳng ai biết đó là hình ảnh nhếch nhác trong con mắt người nước ngoài. [1]
Tôi và các bạn chắc đều đồng ý với nhau vấn đề người phương Tây coi trọng cá nhân, người phương Đông coi trọng cộng đồng rồi chứ nhỉ? Và mỗi cái đều có tốt xấu riêng, ta không thể nói cái nào tốt hơn cái nào. Chúng ta tiếp tục. Nếu người phương Tây vì sợ ảnh hưởng đến công cộng mà tự tước bỏ quyền lợi sức khỏe của mình, thì thật nguy hiểm. Đái đường cũng vậy. Chắc ai cũng hiểu cái cảm giác tuôn chảy tuyệt vời khi phải "vì mọi người" rồi chứ nhỉ. Đái đường không có lỗi, lỗi là thiếu nhà vệ sinh. Thế nhưng vứt rác có phải là lỗi không? Tôi cho là không, vì cầm bịch rác không ảnh hưởng tới sức khỏe của mình. Sức khỏe từng người là chuyện quan trọng nhất rồi mới tới chuyện vì cộng đồng. Nếu phải vì cộng đồng mà tự nguyện tước bỏ sức khỏe của mình, tôi cho rằng như vậy thì không coi trọng cá nhân cho lắm. Mà như vậy thì khá mâu thuẫn.

Bạn cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại: đứng một tí thì có ảnh hưởng mấy tới sức khỏe đâu? Tất nhiên, nếu chỉ một tí thì nói làm gì. Vấn đề là cái chữ quá kia kìa. Người đứng đang mỏi, nhưng có thể tiếp tục được. Nhưng đang mỏi. Cái trạng thái dở dở ương ương ấy thật khó xử. Nhưng cái cảm giác mỏi là cái cảm giác cơ thể báo hiệu rằng ngồi thì có lợi cho sức khỏe hơn. Và khi cơ thể cảm thấy không ổn, thì nó là không ổn.

Nếu nhất trí tới đây, thì ngồi là không có hại. Tiếp tục, tôi sẽ chứng tỏ ngồi là có lợi. Việc ngồi túm tụm như trên còn có một ưu điểm tuyệt vời nữa: sự gắn kết cộng đồng. Họ có thể đứng tiếp, nhưng ngồi cho họ cơ hội được nói chuyện. Đứng có thể nói chuyện được không? Được chứ, nhưng ngồi thì mới nói lâu được [2]. Con người là một động vật xã hội, người phương Đông lại chú trọng tính cộng đồng, vậy ngồi là có lợi quá chứ lị. Tôi chưa thấy báo nào nói người phương Đông chết vì cô độc, chứ tôi thấy người phương Tây chết khô trong nhà 42 năm không ai biết rồi [3]. Vừa không có hại, lại có lợi, sao ta lại không làm?

Có khi nào chúng ta vì ngưỡng mộ sự vượt trội về kiến thức của người phương Tây (một chuyện hiển nhiên khỏi cần bàn cãi) mà áp dụng cả cách sống của họ vào nền văn hóa của chúng ta? Giống như cái cách mà chúng ta (chính xác hơn là một người Trung Quốc) dịch thuật ngữ subject trong tiếng Anh thành chủ ngữ/chủ từ vậy [4]. Trong tiếng Anh, danh từ đầu tiên trong câu là subject, là chủ của một câu nhưng trong các ngôn ngữ phương Đông, nó không làm chủ. Cấu trúc câu ở phương Đông phải là đề - thuyết. Và sự nhầm lẫn này là một tai hại. Nó tai hại vì bây giờ, khi mọi người đã quen với cấu trúc câu chủ ngữ - vị ngữ thì không còn cách nào sửa lại được. Trong xã hội học hình như đây được gọi là tâm lý sính ngoại (xenocentrism) [5] thì phải. Có ngưỡng mộ thì ngưỡng mộ cái liên quan, chứ đừng ngưỡng mộ ké những thứ không liên quan.

Và vì như vậy, tôi có thể khẳng định một tính xấu của người Việt Nam không? Tâm lý sính ngoại. Sính ngoại ở đây không chỉ là chuộng mua đồ ngoại, mà là chuộng được trở thành người ngoại.

[1] Hoàng Mạnh Hải, Tính xấu người Việt: Đi xa, năn nỉ... nhớ giùm
[2] Đoạn này tôi nói trong lúc phấn khích, mọi người có thể đặt nghi vấn. Tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn. Nhưng nếu đứng nói mà cũng giống như ngồi nói, thì tại sao trong phòng họp phải đặt ghế làm gì?
[3] Bà Hedviga ở Croatia http://www.dailyrecord.co.uk/news/uk-world-news/woman-sat-dead-front-tv-977414
[4] Cao Xuân Hạo, Về lịch sử của khái niệm chủ ngữ
[5] Cái này tôi được nghe trong một bài diễn thuyết của chương trình "Trí / Thức", chủ đề là Phục hồi và phát triển văn hóa vật thể cho sáng tạo
























































Nếu mà tôi phải trả lời, thì tôi sẽ trả lời là hên xui, mà xui nhiều hơn hên. Câu hỏi ở trên chỉ được đặt ra trong một khoảnh khắc phấn khích mà thôi.